Mô hình nhà kho phi truyền thống

Mô hình nhà kho phi truyền thống

Nếu bạn đã từng làm việc trong khu vực kho bãi, chắc chắn bạn khá quen thuộc với các mô hình luồng hàng hóa chữ U và chữ I. Hai mô hình này trông có vẻ khác nhau nhưng lại được xây dựng dựa trên cùng một giả định: kệ hàng hóa được xếp song song với nhau, có lối đi giữa các kệ hàng hóa hoặc có lối đi cắt và vuông góc với các kệ hàng hóa.

Mô hình kho bãi truyền thống (Nguồn: Kevin Gue’s blog)

Thông thường, mọi người nghĩ rằng, các mô hình phía trên có thể giảm tai nạn, tăng luồng chảy và giảm sự tắc nghẽn. Nhưng có nhiều học giả đã thách thức giả định này, trong số đó có Kevin R. Gue, Russell D. Meller, Ömer Öztürkoğlu,…

Năm 2008, giáo sư Kevin Gue và tiến sĩ Russell Meller xuất bản bài báo khoa học Aisle Configurations for Unit-Load Warehouses trên tạp chí IIE Transactions. Tại đó, họ đã đề xuất các mô hình kho bãi khác hiệu quả hơn các mô hình truyền thống bằng việc giảm thời gian và khoảng cách đi lại. Hai mô hình này đã được thảo luận trong giáo trình L4M7-Whole Life Assets Management. Chúng được gọi tên là mô hình cánh chim chữ V (Flying-V layout) hay còn được gọi là mô hình cánh quạt (Fan-shape layout) trong giáo trình và mô hình xương cá (Fishbone layout/Herringbone-shape layout).

Hình 2: a) Nhà kho với mô hình cánh chim chữ V với một điểm đầu-cuối (P&D); b) Nhà kho với mô hình xương cá với một điểm đầu-cuối (P&D) (Nguồn: Kevin Gue’s blog)

Hai mô hình này được xây dựng với giả định rằng chỉ có duy nhất một điểm lấy và trả hàng (P&D) tại chính giữa của cạnh dưới cùng của sơ đồ trên. Dựa trên việc tính toán và mô phỏng trên máy tính, hai tác giả đã kết luận rằng, trong hai mô hình này, khoảng cách di chuyển có thể giảm được 20% so với các mô hình kho bãi truyền thống. Video dưới đây mô phỏng sự khác biệt giữa mô hình nhà kho truyền thống và mô hình nhà kho của hai tác giả trên.

Bài nghiên cứu của Gue và Meller đã gây được sự chú ý từ các chuyên gia về logistics và kho bãi ở Mỹ. Một công ty tên gọi Generac Power Systems đã áp dụng mô hình xương cá vào trong chính nhà kho của họ năm 2017. Những kết quả ban đầu dường như khá tích cực vì những nhà quản lý lâu năm và các công nhân đều thích mô hình mới này. Tuy nhiên, cũng có một vài băn khoăn về vấn đề an toàn khi áp dụng mô hình xương cá này.

Hai mô hình này cũng có một vài hạn chế:

  • Gue và Meller đã tạo ra hai mô hình này với giả định rằng chỉ có duy nhất một điểm lấy và nhận hàng. Thực tế, nhiều nhà kho có nhiều điểm ra vào hàng hóa, Flying-V hay Fishbone đều khó áp dụng trong những nhà kho này. Nhưng ở trong thiết kế xương cá đã được điều chỉnh  có thể cho phép thiết kế nhiều cửa nhập hàng và xuất hàng.
Hình 3: Bản thiết kế mặt bằng của nhà kho phân phối ở Florida, Mỹ (Nguồn: Kevin Gue’s blog)
  • Các mô hình này được thiết kế cho các nhà kho lưu trữ hàng đóng theo khối, tại đó các mặt hàng được gom vào thành một khối lớn, thường được đóng vào trong pallet. Các phương tiện và thiết bị dược yêu cầu xử lý các khối hàng riêng rẽ, chứ không phải lấy những sản phẩm nhỏ trong một khối hàng.

Cho tới nay, mô hình nhà kho tốt nhất phù hợp cho tất cả các điều kiện thực tế vẫn chưa được tìm ra. Việc lựa chọn mô hình nhà kho phụ thuộc vào một vài nhân tố như không gian có sẵn, số cửa ra vào hàng hóa, các phương tiện và trang thiết bị sẵn có…Chúng tôi hy vọng rằng, qua bài viết chia sẻ này, bạn có thể tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho nhà kho của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
    0
    Your Cart
    Your cart is emptyReturn to Shop